Tất cả những thông tin về bệnh Viêm mào tinh hoàn: Viêm họng mãn tính là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa, các biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh Viêm mào tinh hoàn.
Bệnh Viêm mào tinh hoàn là gì?
Mào tinh hoàn là một ống cuộn tròn, hình chữ C, nằm phía trên tinh hoàn, nhìn giống như mào gà nên được gọi là mào tinh.
Mào tinh hoàn gồm 3 phần:
- Phần đầu phình to ở trên và gắn với tinh hoàn bằng các ống xuất
- Phần thân và phần đuôi nhỏ lại so với phần đầu
Bên trong của đầu mào tinh hoàn gồm các ống xuất cuộn lại tạo thành các tiểu thùy, khi đi hết phần đầu của mào tinh hoàn, các ống xuất đổ vào một ống đơn gọi là ống mào tinh, nếu kéo thẳng ra thì độ dài vào khoảng 4 – 6m.
Ống mào tinh được bao bọc lấy bởi những tế bào cơ trơn. Sự co bóp của tế bào cơ trơn có tác dụng đẩy tinh trùng ra ngoài ống mào tinh mỗi khi xuất tinh. Sau khi tinh trùng được sinh ra ở tinh hoàn, tinh trùng chuyển sang mào tinh để phát triển hoàn thiện.
Mào tinh vừa là nơi chứa tinh trùng, vừa là nơi cho tinh trùng trưởng thành. Sau đó, tinh trùng sẽ đi đến ống dẫn tinh để được xuất tinh ra ngoài.
Bệnh viêm mào tinh hoàn là tình trạng sưng viêm xảy ra khu trú tại mào tinh hoàn, có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn. Viêm mào tinh hoàn có thể được chia thành cấp tính hoặc mãn tính dựa vào khoảng thời gian tồn tại của các triệu chứng.
- Viêm mào tinh hoàn cấp tính (dưới 6 tuần) đầu tiên ảnh hưởng lên đuôi mào tinh. Sau đó có thể lan đến toàn bộ mào tinh. Viêm mào tinh nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tiến triển đến viêm tinh hoàn, viêm dây tinh hoặc diễn tiến thành mãn tính. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn và tắc đường dẫn tinh dẫn đến vô sinh.
- Viêm mào tinh hoàn mãn tính có thể dẫn đến biến chứng áp xe bìu, vô sinh ở nam giới.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh Viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm của tinh hoàn, đôi khi đi kèm với viêm tinh hoàn (viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn). Đau và sưng tấy bìu thường xảy ra ở một bên. Chẩn đoán dựa trên khám thực thể. Điều trị bằng kháng sinh, giảm đau, và nâng bìu hỗ trợ.
Viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn
Hầu hết nguyên nhân viêm mào tinh hoàn (và viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn) là do vi khuẩn gây ra. Khi viêm liên quan đến ống dẫn tinh, chẩn đoán là viêm ống dẫn tinh. Khi tất cả các cấu trúc của thừng tinh bị viêm, chẩn đoán là viêm thừng tinh. Hiếm khi, áp xe mào tinh hoàn, áp xe bìu, tràn mủ màng tinh hoàn (tích tụ mủ trong khoang màng tinh hoàn) hoặc nhồi máu tinh hoàn xảy ra.
Ở nam giới < 35 tuổi, hầu hết các trường hợp là do tác nhân lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là Neisseria gonorrhoeae hoặc là Chlamydia trachomatis. Nhiễm trùng có thể bắt đầu bằng viêm niệu đạo.
Ở nam giới > 35 tuổi, hầu hết các trường hợp đều do trực khuẩn đường ruột gram âm và thường xảy ra ở những bệnh nhân có bất thường đường niệu, đặt ống thông đường tiểu dẫn lưu, hoặc các can thiệp thủ thuật tiết niệu gần đây.
Viêm mào tinh hoàn do lao và gôm giang mai là hiếm gặp ở Hoa Kỳ trừ những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ví dụ như nhiễm HIV).
Viêm mào tinh hoàn không do vi khuẩn
Các nguyên nhân viêm mào tinh hoàn do virut (ví dụ như cytomegalovirus) và do nấm (ví dụ như nhiễm nấm actinomycosis, blastomycosis) là rất hiếm ở Mỹ trừ những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ví dụ bệnh nhân nhiễm HIV). Nguyên nhân của viêm mào tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn không do nhiễm trùng có thể là do kích ứng hoá chất, thứ phát do trào ngược nước tiểu vào trong mào tinh hoàn, điều này có thể xảy ra khi làm nghiệm pháp Valsalva (ví dụ như nâng nặng) hoặc sau chấn thương tại chỗ.
Triệu chứng của bệnh Viêm mào tinh hoàn
Đau và sưng là những dấu hiệu phổ biến nhất.
Đau bìu xuất hiện ở cả viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn và không do vi khuẩn. Đau có thể rất nặng và đôi khi lan lên bụng. Trong viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt, buồn nôn, hoặc có các triệu chứng đường tiểu. Chảy mủ niệu đạo có thể xuất hiện nếu nguyên nhân là viêm niệu đạo.
Khám lâm sàng phát hiện tình trạng sưng tấy, xơ cứng, đau khi sờ nắn, và sung huyết của một phần hoặc toàn bộ mào tinh hoàn, và đôi khi tình trạng này xảy ra ở cả tinh hoàn nằm bên cạnh mào tinh hoàn bị viêm. Nhiễm khuẩn huyết được gợi ý bởi sốt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và xuất hiện dấu hiệu nhiễm độc.
Triệu chứng viêm mào tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân. Có thể bao gồm:
- Sưng, đỏ hoặc ấm bìu
- Tinh hoàn thường đau ở một bên, những cơn đau có thể sẽ nặng hơn khi đi tiểu
- Đi tiểu đau hoặc thường xuyên đi tiểu
- Đau khi giao hợp hay xuất tinh
- Ớn lạnh và sốt 39 – 40oC
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn (hạch bẹn)
- Đau hoặc khó chịu ở bụng dưới hoặc vùng xương chậu
- Chảy dịch, mủ ra từ dương vật
- Có máu trong tinh dịch
- Có khối u trên tinh hoàn
Biến chứng có thể gặp của bệnh Viêm mào tinh hoàn
Nam giới cần hết sức cảnh giác đối với bệnh lý này vì những biến chứng nghiêm trọng có thể gặp phải nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Cụ thể là:
- Bệnh nhân bị chứng teo tinh hoàn: viêm nhiễm có thể khiến cho 60% nam giới bị teo tinh hoàn gây giảm khả năng tình dục cũng như ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ sinh sản của nam giới.
- Chức năng sinh lý suy giảm: các biểu hiện khi bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn dễ làm cho bệnh nhân xuất tinh sớm khi quan hệ, khả năng sinh lý bị suy giảm hoặc thậm chí là mất hẳn.
- Áp xe bìu: là tình trạng các mô nhiễm khuẩn có chứa mủ bên trong.
- Vô sinh: tinh hoàn mất khả năng sản xuất ra tinh trùng hoặc chất lượng tinh trùng kém, từ đó khiến nam giới bị vô sinh.
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn còn là nguyên nhân dẫn đến một loạt các bệnh lý khác như: viêm thận, ung thư tinh hoàn, bệnh nội tiết, viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt,…
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Viêm mào tinh hoàn
Nam giới ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm mào tinh hoàn nhưng phổ biến nhất là độ tuổi từ 20 đến 39, người trung niên và người già rất hiếm khi mắc bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn do lây truyền qua đường tình dục:
- Hành vi tình dục nguy cơ cao: có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với người bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su.
- Đã từng bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn không do lây truyền qua đường tình dục:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính
- Nhiễm trùng hoặc phì đại tuyến tiền liệt
- Bất thường của đường tiết niệu
- Chưa cắt hoặc không cắt da quy đầu dương vật
- Thủ thuật có ảnh hưởng đến đường tiết niệu như đặt ống thông tiểu, …
Bệnh Viêm mào tinh hoàn có lây không?
Viêm mào tinh hoàn có thể lây truyền ngược dòng từ đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn qua đường tình dục.
Cách phòng ngừa bệnh Viêm mào tinh hoàn
Phòng ngừa viêm mào tinh hoàn:
- Sinh hoạt tình dục an toàn, quan hệ tình dục một vợ một chồng, luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Khám sức khỏe định kỳ, siêu âm kiểm tra để phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.
- Điều trị cho bạn tình nếu viêm mào tinh hoàn là do lây truyền qua đường tình dục.
Phòng ngừa diễn tiến của viêm mào tinh hoàn:
- Nghỉ ngơi trên giường
- Nâng cao bìu
- Chườm đá bìu để giảm đau
- Mang dụng cụ bổ trợ (quần lót cố định bìu)
- Tránh nâng vật nặng
- Tránh quan hệ tình dục cho đến khi hết tình trạng nhiễm trùng
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm mào tinh hoàn
Khám lâm sàng hạch bạch huyết ở bẹn và tinh hoàn hai bên. Khám trực tràng và tuyến tiền liệt. Ngoài ra có thể thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm mào tinh hoàn:
- Xét nghiệm công thức máu
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng
- Xét nghiệm dịch tiết niệu đạo, nhuộm Gram để phát hiện tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, kháng sinh đồ để giúp chọn lựa kháng sinh thích hợp
- Siêu âm Doppler để loại trừ xoắn tinh hoàn hoặc khối u tinh hoàn
- Chụp tinh hoàn
Có những biện pháp nào điều trị bệnh Viêm mào tinh hoàn?
Cách chữa viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn cấp hay mãn tính thường được điều trị bằng thuốc. Đa số các trường hợp viêm mào tinh hoàn sẽ hết trong ba tháng.
- Viêm mào tinh hoàn do lây truyền qua đường tình dục hay do nhiễm khuẩn khác được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống do bác sĩ chỉ định.
Lưu ý khi điều trị thuốc: Tuân thủ liệu trình điều trị theo y lệnh của bác sĩ, dùng kháng sinh phải đúng thuốc, đủ liều, đúng giờ, đủ thời gian. Không được ngừng điều trị ngay cả khi triệu chứng đã cải thiện để kết quả điều trị được triệt để, tránh tái phát. Thông thường bệnh sẽ cải thiện sau vài ngày điều trị, nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm cần đến khám bác sĩ để thay đổi loại thuốc kháng sinh khác. Tái khám đúng theo lịch hẹn.
- Điều trị hỗ trợ bao gồm nằm nghỉ ngơi, tránh vận động, dùng thuốc giảm đau.
- Điều trị cho bạn tình nếu đã xác định được nguyên nhân gây bệnh là lây truyền qua đường tình dục.
- Phẫu thuật làm sạch trong trường hợp có biến chứng áp xe bìu.
Trên đây là những thông tin dành cho mục đích tham khảo, tra cứu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm mào tinh hoàn, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.
Nguồn: Tổng hợp
- Điều ít ai biết về căn bệnh hiếm Lionel Messi mắc khi còn nhỏ khiến anh suýt từ giã sự nghiệp
- Bé trai 15 tuổi tử vong vì bệnh Whitmore (nhiễm khuẩn): Bố mẹ đọc để phòng tránh cho con nhé
- Nếu bạn ăn những món ăn này hàng ngày không sớm thì muộn ung thư cũng ghé thăm, dừng lại ngay kẻo nguy hiểm đến tính mạng