Tất cả những thông tin về bệnh Vôi hóa cột sống: Bệnh Vôi hóa cột sống là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa, các biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh Vôi hóa cột sống.
Tổng quan bệnh Vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống là gì?
Bệnh vôi hóa cột sống là hiện tượng các dây chằng bám vào thân đốt sống hay các mấu gai, mấu ngang của cột sống bị lắng tụ calci. Từ đó quá trình vận động của người bệnh trở nên khó khăn, các dây thần kinh, mạch máu bị đè ép khiến người bệnh cảm giác đau đớn. Đây là hiện tượng lão hóa tự nhiên theo thời gian, thường kèm theo các yếu tố thúc đẩy như quá trình viêm do nhiễm trùng, hoặc dây chằng vùng cột sống bị quá tải do việc nặng hay sai tư thế. Có thể bị vôi hóa cột sống cổ, và vôi hóa cột sống lưng hay thắt lưng.
Bệnh vôi hóa cột sống có rất nhiều nét tương đồng với bệnh gai cột sống. Chính vì vậy để có được cách điều trị bệnh hiệu quả, cần kịp thời theo dõi và gặp bác sĩ để có phác đồ thích hợp.
Vôi hóa cột sống là một dạng của lão hóa xảy ra với cột sống, đa phần thời gian đầu không gây triệu chứng gì nhưng nếu bệnh phát triển sẽ gây đau, tổn thương thần kinh, giảm vận động. Người làm việc thường xuyên ở tư thế không tốt cho cột sống có nguy cơ mắc bệnh cao khi đến tuổi trung niên. Người bệnh cần điều trị kiên trì kết hợp nhiều phương pháp mới có thể cải thiện bệnh từ từ.

Nguyên nhân bệnh Vôi hóa cột sống
Bệnh nhân bị vôi hóa đốt sống bởi các nguyên nhân sau:
- Do máu không cung cấp đủ dưỡng chất và oxy để nuôi xương làm xương bị thoái hóa trở nên xốp.
- Quá trình trao đổi chất giảm, thoái hóa các tế bào tăng ở người cao tuổi.
- Ngồi làm việc một chỗ, ít vận động, các khớp xương bị chèn ép, khí huyết lưu thông kém, các tế bào xương thiếu dần dinh dưỡng dẫn tới vôi hóa cột sống.
Triệu chứng bệnh Vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống thực chất là tình trạng lắng đọng canxi, gây hình thành các mỏm gai và mỏm ngang của cột sống. Thực chất đây là kết quả của sự lão hóa các cơ tự nhiên, song bệnh sẽ được thúc đẩy sớm hơn nếu người bệnh mắc bệnh lý tại cột sống.
Bệnh vôi hóa đốt sống có các dấu hiệu, biểu hiện như sau:
- Bị đau lưng, cứng các khớp ở bả vai, hông, đùi, cổ. Ở các vị trí khớp sẽ dẫn đến hiện tượng vôi hóa như: vôi hóa đốt sống cổ, vôi hóa đốt sống thắt lưng…
- Cảm giác tê bì bàn tay, bàn chân do bệnh đã ảnh hưởng đến tủy sống và dây thần kinh liên chi, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến teo cơ.
- Rối loạn cảm giác: Do vôi hóa cột sống ảnh hưởng và chèn ép đến dây thần kinh và tủy sống, bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm giác tay, chân như: cảm giác kiến bò, tê bì, nóng rát bàn tay, bàn chân. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tình trạng teo cơ. Dấu hiệu đau và rối loạn cảm giác do vôi hóa cột sống thường tăng lên khi vận động quá sức hoặc thay đổi thời tiết, giảm đi khi được nghỉ ngơi, xoa bóp.
Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài dai dẳng hoặc theo chu kì.
Đối tượng nguy cơ bệnh Vôi hóa cột sống

Từ nguyên nhân của bệnh, có thể kể đến các đối tượng có nguy cơ cao bị vôi hóa cột sống như:
- Tuổi tác: Những người lớn tuổi;
- Nghề nghiệp: những người ít vận động, làm việc ngồi một chỗ trong thời gian dài;
- Chế độ dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng không bổ sung đủ chất hoặc béo phì cũng dẫn đến nguy cơ cao bị vôi hóa cột sống.
Phòng ngừa bệnh Vôi hóa cột sống
Để phòng ngừa bệnh vôi hóa cột sống, có một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động như: ngồi lâu, đứng lâu một tư thế; mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế.
- Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, tránh béo phì.
- Tập luyện các môn thể thao vừa sức.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dị dạng cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hay ngoại khoa thích hợp.
Những bài tập tốt cho người bị vôi hóa cột sống
Các bài tập dưới đây tốt cho hệ xương khớp và cột sống, nếu bị vôi hóa cột sống, hãy thực hiện kiên trì, cảm giác đau và giảm vận động sẽ được cải thiện. Các chuyên gia khuyến cáo, nên tập những bài tập dưới đây ít nhất 2 lần trong ngày, lặp lại 10 lần động tác.
Bài tập 1: Kéo giãn cơ lưng bên chân co
Bàn nằm ngửa trên giường, sàn hoặc mặt phẳng nào đó, một chân duỗi thẳng, 1 chân co gối lại. Chân duỗi thẳng sao cho ngóc bàn chân lên, ấn gan bàn chân xuống mặt phẳng. Hai tay đan kéo sát đặt vào đầu gối của chân co, hướng về phía ngực và hít vào.
Sau đó duỗi thẳng chân về tư thế bình thường và thở ra.
Bài tập thứ 2: kéo giãn cơ lưng 2 bên
Cũng nằm trên mặt phẳng như bài tập đầu tiên, co hai chân lại, hai tay đan và kéo sát hai gối về hướng ngực, đồng thời hít vào.
Duỗi thẳng hai chân về vị trí bình thường và thở ra.
Bài tập thứ 3: Nghiêng xương chậu ra sau
Tư thế nằm bình thường, co hai gối, đặt 2 bàn chân lên mặt phẳng sao cho thoải mái. Tay xếp chéo đặt trên ngực.
- Bắt đầu với bài tập nhẹ: gồng cơ bụng, ấn lưng xuống sát mặt giường và hít vào. Thư giãn cơ bụng rồi thở ra.
- Tiếp tục với bài tập tăng tiến: Gồng cơ bụng, ấn lưng xuống sát mặt giường, đồng thời nhấc mông lên cao rồi hít vào. Từ từ hạ mông xuống và thở ra, trong quá trình này lưu ý giữ lưng sát với mặt giường.
Bài tập thứ 4: Kéo giãn cơ mặt đùi
Tư thế nằm, hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình. Một bên chân duỗi thẳng đặt trên giường, chân còn lại giơ cao góc 45 độ, khép, xoay về phía đối diện. Lưu ý duỗi ban chân xuống, mông giữ sát mặt giường và hít vào.
Giữ thẳng đầu gối rồi hạ chân xuống từ từ, rồi thở ra. Thực hiện với cả hai chân.
Bài tập thứ 5: Kéo giãn nhóm cơ lưng
Ngồi trên 2 gót chân, mông giữ ổn định trên gót. Đầu cúi sát mặt giường, người cúi về phía trước, đồng thời 2 tay trượt trên mặt giường hướng đến phía trước.
Khi thực hiện động tác này, cơ lưng và cột sống được giãn ra tạo cảm giác thoải mái, bạn hít thở đều đặn trong suốt quá trình tập.
Nhìn chung đây là bệnh lý lành tính tuổi già, cần điều trị tích cực kết hợp các biện pháp để giảm đau, phục hồi vận động.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Vôi hóa cột sống
Để có phương pháp điều trị thích hợp, việc chẩn đoán chính sách tình trạng bệnh có vai trò quan trọng. Có các phương pháp chẩn đoán bệnh nhân bị vôi hóa cột sống sau:
- Kiểm tra các dấu hiệu bệnh mà bệnh nhân thường mắc phải trước khi kiểm tra cận lâm sàng.
- Chụp X-quang để quan sát các tổn thương ở cột sống cũng như các cơ quan nội tạng
- Chụp CT giúp biết được mức độ nghiêm trọng của bệnh và phát hiện các biến chứng.
- Chụp MRI để xác định chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị bệnh Vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống mức độ nhẹ, không gây triệu chứng thì không cần thiết phải điều trị, bệnh nhân được khuyên nên thay đổi lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh tiến triển. Khi vôi hóa cột sống ảnh hưởng đến dây thần kinh, gây đau đớn và triệu chứng khác thì việc điều trị là cần thiết.
Các phương pháp điều trị vôi hóa cột sống bao gồm: Có 2 phương pháp điều trị bệnh vôi hóa đốt sống là điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.
Về điều trị không dùng thuốc
Thường áp dụng trong những trường hợp bệnh chưa ở giai đoạn nghiêm trọng với các phương pháp: tập luyện thể dục thể thao làm giãn gân cơ giảm đau, làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp; chiếu đèn, chiếu tia hồng ngoại vào vùng bị đau gây giãn cơ và dây chằng.
Điều trị dùng thuốc
- Sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên phương pháp này kèm theo khá nhiều tác dụng phụ như: viêm dạ dày, viêm đường ruột, vấn đề hạ bạch cầu hạt, thậm chí có thể gây xuất huyết dạ dày.
- Sử dụng thuốc giãn cơ hay làm các liệu pháp như bó nến, chiếu tia cực tím, chạy sóng điện từ…
Việc chấp hành nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ có khả năng chữa khỏi bệnh vôi hóa cột sống cao hơn.
Ngoài ra, Y học cổ truyền nước ta cũng có nhiều phương pháp hiệu quả trong điều trị, giảm đau do vôi hóa cột sống như: châm cứu, bấm huyệt,…
Để kiểm soát tiến triển bệnh, người bệnh cần lưu ý thực hiện các thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
- Thường xuyên luyện tập, chơi các môn thể thao vừa sức để vận động xương khớp.
- Chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng ở mức vừa phải và đảm bảo dinh dưỡng nuôi dưỡng xương khớp.
- Khi mắc các bệnh cột sống như loãng xương, thoát vị đĩa đệm cột sống, thoái hóa cột sống,… cần đi khám và điều trị tích cực.
Kết hợp điều trị với thay đổi lối sống, triệu chứng vôi hóa cột sống có thể được cải thiện song người bệnh cần kiên trì. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi nên không nên quá lo lắng, giảm lao động nặng dùng sức và nghỉ ngơi nhiều hơn để làm chậm tiến triển của bệnh.
Trên đây là những thông tin dành cho mục đích tham khảo, tra cứu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa bệnh Vôi hóa cột sống, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh Vôi hóa cột sống