Chế độ ăn uống, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Để cải thiện triệu chứng và nhanh chóng phục hồi sức khỏe, bệnh nhân cần lựa chọn chế độ ăn nào cho đúng cách.
Viêm loét dạ dày là một loại bệnh “bắt” người bệnh phải kén ăn, phải tuân thủ theo các nguyên tắc trong ăn uống, nên và không nên ăn những gì.
Nguyên tắc ăn uống của người bị bệnh viêm loét dạ dày
- Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống.
- Nhai kỹ, ăn chậm. Không ăn quá no một lúc mà chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa acid, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều acid.
- Không nên ăn quá nhiều canh dùng với bữa cơm.
- Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.
Thực phẩm người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn
Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng, có tác động làm giảm tiết acid, làm giảm tác động của acid tiết ra trên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.
Thức ăn giảm tiết dịch vị
Trọng tâm của dinh dưỡng trong viêm loét dạ dày là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị: Chất ngọt, chất béo, dùng những thức ăn có tính chất bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, sữa, lòng trắng trứng. Dùng thức ăn mềm ít có tác dụng cơ giới.

Thức ăn hấp, luộc
Nên ăn những thức ăn hấp, luộc, nấu, ninh, hạn chế chiên xào. Khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát. Nấu mềm sẽ làm giảm được kích thích bài tiết dịch vị và giúp vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng.
Thực phẩm từ trứng, sữa
Sữa, trứng sẽ có tác dụng làm đệm trung hòa lượng axit có trong dạ dày. Sữa thì chúng ta nên uống sữa nóng; trứng nên ăn dưới dạng hấp hoặc là cho vào cháo, một tuần chỉ nên ăn từ 2-3 lần mỗi lần ăn khoảng 1-2 quả.
Thực phẩm chứa chất đạm (protein)
Các thực phẩm chứa đạm sạch tốt bao gồm thị động vật ăn cỏ, cá đánh bắt tự nhiên hoặc gia cầm chăn nuôi. Cá như cá hồi hoặc cá mòi đặc biệt có lợi vì chúng là thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng chống viêm, đem lại lợi ích cho người bị viêm loét dạ dày.
Rau củ, quả tươi
Rau củ quả nên chọn các loại rau củ non, ưu tiên họ cải (cải bắp, củ cải, hoặc rau cải) vì rau họ này có chứa nhiều vitamin cho việc nhanh chóng liền các vết thương của đường tiêu hóa.

Thực phẩm có chứa tinh bột
Các loại thực phẩm có chứa tinh bột như: bánh mì, yến mạch,… rất tốt trong việc giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp hạn chế những tổn thương đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản.
Dầu thực vật
Các loại dầu thực vật được chế biến từ các loại hạt như là dầu từ hạt hướng dương, dầu vừng, hay là dầu hạt cải, hoặc dầu đậu nành…có chứa omega 3, omega 6, omega 9.
Thực phẩm nên tránh khi bị viêm loét dạ dày
Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh và các loại thức ăn chế biến sẵn như giăm bông, lạp sườn, xúc xích; thức ăn có nhiều gia vị như ớt, tỏi; những món ăn gây khó tiêu như chất béo, thức ăn chiên xào, gân sụn.

Hạn chế tối đa các loại thức ăn có độ axít cao dễ sinh hơi trong dạ dày như cà muối, dưa chua, giấm, mẻ, tương ớt hoặc trái cây vị chua như cam, xoài xanh, ổi, bưởi chua…
Không uống rượu bia, cà phê, trà đặc hay những đồ uống gây đầy hơi như nước giải khát có gas…
Bỏ thuốc lá ngay lập tức, điều này không chỉ giúp cho bạn cải thiện bệnh viêm dạ dày-tá tràng mà còn giúp bạn sẽ tránh khỏi nguy cơ mắc phải nhiều bệnh về phổi và các bệnh có liên quan tới đường hô hấp.
Chúng ta nên có một lối sống, thói quen ăn uống ngủ nghỉ lành mạnh để giảm thiểu, phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày và các loại bệnh khác. Khi gặp vấn đề nghiêm trọng cần đến phòng khám y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và chữa bệnh.
Tổng hợp